Nhận định trên được đại diện Bộ Công Thương, các doanh nghiệp (DN) nêu ra tại hội nghị xúc tiến xuất khẩu da giày do Bộ Công Thương và Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức ngày 15-7 tại TP HCM.

Việt Nam hiện đứng thứ ba trong nhóm các nước xuất khẩu da giày lớn nhất thế giới tính về trị giá, chỉ sau Trung Quốc và Ý. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành da giày liên tục ổn định trong 5 năm qua, từ mức 4,2 tỉ USD năm 2009 tăng lên 10,5 tỉ USD năm 2014, bất chấp những giai đoạn kinh tế toàn cầu suy thoái.

Sáu tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu da giày tiếp tục đạt mức ấn tượng với 7,35 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã có mặt ở hơn 50 quốc gia và đang tiếp tục gia tăng thị phần tại những thị trường trọng điểm. Riêng sản phẩm túi xách có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất nhanh và đã có mặt ở hơn 40 nước.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tiếp tục có triển vọng tăng trưởng, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với EU đang đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ, Nhật là thành viên.

Với thị trường Mỹ, xuất khẩu da giày đã tăng trưởng mạnh trong những năm qua từ mức 1 tỉ USD lên khoảng 3,4 tỉ USD vào năm ngoái (chiếm 32% kim ngạch xuất khẩu của ngành). Nếu TPP được ký kết, lợi thế đầu tiên mà ngành da giày Việt Nam được hưởng là mức thuế nhập khẩu hiện tại từ 3,5%-57,4% sẽ được xóa bỏ, thuế nhiều dòng sản phẩm da giày xuất khẩu vào Mỹ tiến về 0%. Đây không chỉ là cơ hội cho ngành tăng trưởng xuất khẩu mà còn được xem là cú hích cho DN phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Điểm đáng lưu ý là gần đây, lượng đơn hàng xuất khẩu dịch chuyển mạnh từ Trung Quốc sang Việt Nam nhờ chi phí nhân công giá rẻ cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành. Chẳng hạn, chi phí nhân công của Trung Quốc khoảng 500 USD/người/tháng, trong khi Việt Nam chỉ 250 USD/người/tháng…

Hàng loạt tập đoàn, DN sản xuất giày dép lớn thế giới cũng chọn Việt Nam làm cứ điểm mở rộng hoạt động hoặc đầu tư mới nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan khi các FTA được ký kết. Đại diện Hiệp hội Da giày Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết trong làn sóng nhiều thương hiệu lớn đổ vào Việt Nam, một số DN ở Trung Quốc cũng sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội, đầu tư vào ngành giày dép.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong năm 2015, các FTA đã ký có thể chưa tác động trực tiếp giúp kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh do các nội dung chỉ chính thức có hiệu lực từ 1-2 năm tới. Tuy nhiên, hàng loạt FTA mà Việt Nam tham gia sẽ tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nguyên phụ liệu và sản phẩm xuất khẩu. Mục tiêu của ngành da giày là phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 23 tỉ USD vào năm 2020.

(Theo nguồn báo Người Lao Động)

Ngày 15/7/2015, được sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến Thương Mại – Bộ Công Thương, Hiệp Hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu ngành giầy tại TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị đã thu hút hơn 300 đại biểu đến từ 100 doanh nghiệp sản xuất,-xuất khẩu giầy, nguyên phụ liệu trong nước và các khách quốc tế (Italia, Đức, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc,…) cũng như các đại biểu đến từ các Sở, Ban, ngành tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Trong buổi Hội Nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận những nội dung như: Nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng, hỗ trợ xuất khẩu, Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu, đánh giá nhu cầu thị trường, những thuận lợi khó khăn, cơ hội thách thức trong xuất khẩu; Cập nhật tiến trình mới nhất của các FTA (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – EVFTA) và tác động đối với ngành công nghiệp giày dép Việt Nam….Trong 2 ngày tiếp theo 16&17/7/2015, Hiệp Hội đã tổ chức đưa các khách quốc tế thăm và làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam. Triển lãm Da – Giầy Quốc tế (Shoes and Leather Vietnam) cũng diễn ra trong thời gian từ 15/7 đến 17/7/2015.

(Theo nguồn www.lefaso.org.vn)

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài, cũng kỳ vọng sẽ có một cú hích lớn trong thu hút vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam. TPP sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam và Mỹ không chỉ về thương mại mà cả thu hút vốn đầu tư. Khi TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu hàng Việt Nam vào Mỹ về 0%, các DN Mỹ sẽ rất có lợi nếu đầu tư vào Việt Nam sản xuất rồi tái xuất sang Mỹ. Trước TPP, trong các hoạt động xúc tiến đầu tư của Mỹ, cam kết của lãnh đạo cao cấp và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đều cho thấy Mỹ sẽ vượt qua Hàn Quốc để trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.

Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Hong Sun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng TPP sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc; các DN Hàn Quốc sẵn sàng đầu tư nhiều hơn nữa sang Việt Nam để hòa nhập vào những nền kinh tế lớn trên thế giới, tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp ô tô, dệt may, điện tử… và một số lĩnh vực truyền thống khác.

Năm năm qua (2011-2015), Việt Nam thu hút vốn FDI kém hơn 5 năm trước về mức đăng ký nhưng vẫn tăng trưởng ổn định bình quân khoảng 10%. Vốn đăng ký giai đoạn 2011-2015 và năm 2015 sẽ đạt mục tiêu 23 tỉ USD/năm. Theo TS Phạm Hữu Thắng, chưa vào TPP nhưng chúng ta đã thu hút được trên 20 tỉ USD/năm và bằng gấp đôi số vốn thực hiện. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng nên vốn đầu vào chắc chắn đạt mức trên 20 tỉ USD/năm. Vấn đề là sức hấp thụ của nền kinh tế chỉ có thể tiếp nhận hơn 10 tỉ USD/năm, chúng ta không thể tăng đột biến khả năng hấp thụ. Vì vậy, trong giai đoạn tới, Việt Nam không cần lo thu hút vốn ngoại nhiều hay ít mà vấn đề là quản lý thế nào để sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất.

“Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn, cần ưu tiên vốn vào lĩnh vực công nghệ, bảo vệ môi trường, gắn với an ninh quốc phòng và theo mục tiêu ngắn hạn, dài hạn… Ngoài ra, hiện vẫn còn hơn 100 tỉ USD vốn FDI chưa thực hiện nằm rải rác trong hàng trăm dự án, nếu không được xử lý trong giai đoạn 2016-2020 thì sẽ rất lãng phí” – TS Phạm Hữu Thắng nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng thay vì mở cửa đối với tất cả dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày như lâu nay, Chính phủ nên có biện pháp cụ thể giúp DN trong nước thuộc 2 lĩnh vực này lớn mạnh, tận dụng cơ hội xuất khẩu sang các nước TPP. Hai năm nay, dự án đầu tư vào may mặc diễn ra rầm rộ ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Nam Định… Chín tháng đầu năm, nhiều dự án lớn hàng trăm triệu USD đổ vào lĩnh vực may mặc đã được xúc tiến.

(Theo nguồn báo Người Lao Động)

Nhằm mục tiêu hỗ trợ Việt Nam phát triến bền vững cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất-chế tạo. Tổ chức IFC (Cty Tài chính Quốc tế thuộc World Bank) có làm việc với Hiệp Hội Da Giày túi xách và đưa ra chương trình hỗ trợ tài chính cho các Doanh Nghiệp ngành Da giày-Túi xách đầu tư mở rộng sản xuất.

IFC giúp đầu tư, huy động vốn từ các đối tác và tư vấn cho các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng tăng trưởng tốt. Chính sách hỗ trợ đối với Doanh nghiệp dệt may-da giày cụ thể như sau:

  • Cho vay dài hạn: IFC cho vay trung và dài hạn (từ 5 đến 10 năm) bằng Đô la Mỹ để các công ty thực hiện kế hoạch mở rộng sản xuất, như xây hoặc mua nhà máy mới, tăng dây chuyền sản xuất, mua sắm máy móc, thiết bị,…Khoản vốn vay phù hợp khoảng từ 10 triệu Đô la trở lên cho mỗi doanh nghiệp. Khoản vay này chiếm tối đa 35% trong trường hợp đầu tư dự án hoàn toàn mới. IFC cũng có thể thu xếp nguồn vốn từ các tổ chức tài chính khác để cùng cho vay. Lãi xuất cho vay dựa trên lãi xuất cạnh tranh trên thị trường, được xác định dựa trên phân tích rủi ro và khả năng tín dụng của khách hàng.
  • Tài trợ ngắn hạn: Năm 2011, IFC đã giới thiệu chương trình “ Tài trợ nhà cung cấp – GTSF” đến các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Srilanka, Pakistan, Haiti và Việt Nam. Chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Thông qua chương trình này, IFC đã giả nhân hơn 500 triệu Đô la trên toàn cấu, riêng ở Việt Nam đạt trên 10 triệu Đô la.Đây là một thành quả rất đáng khích lệ của chương trình từ trước tới nay.

Với nguồn vốn 500 triệu Đô la Mỹ (sử dụng quay vòng trong năm tài chính), GTSF được kỳ vọng là công cụ tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may và da giầy giảm thiểu rủi ro người mua, tăng khả năng tài chính cũng như quản lý hiệu quả dòng tiền.

Thông qua chương trình, IFC sẽ đứng ra mua các khoản phải thu, các hóa đơn xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất các sản phẩm cho một số đối tác mua được lựa chọn để nhằm ứng tiền trước cho các doanh nghiệp xuất khẩu này. Giao dịch mua khoản phải thu cuat IFC được thực hiện tự động trên ứng dụng internet, miễn truy đòi (hay nói cách khác IFC chịu rủi ro khi đối tác mua không thanh toán). Mức chi phí của chương trình mà IFC đang áp dụng được xác định dựa trên đánh giá tín dụng của các đối tác mua ở nước ngoài, vì vậy được đánh giá là rất cạnh tranh.

(Theo nguồn VCCI)

Theo phân tích một số chuyên gia, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể là sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu tăng 50% vào năm 2020 và lên 93% vào năm 2025; trong đó hàng dệt may tăng 16%, may mặc tăng 40% và đồ da tăng 31%”.

Tuy nhiên Doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào quy tắc xuất xứ sản phẩm, đẩy mạnh phát triển kênh phân phối tại EU, tạo lập thương hiệu quốc gia và tập trung vào những sản phẩm thân thiện với môi trường và xã hội, tuân thủ các qui định kỹ thuật và an toàn, vệ sinh…

Đây cũng là một khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu dệt may và da giày trong nước đang phải đối mặt tại các thị trường xuất khẩu chủ lực.

Theo phân tích của một số chuyên gia, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ tác động mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: cắt giảm thuế quan, các quy tắc về lao động, tiêu chuẩn môi trường, quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ các quy định kĩ thuật…

Bên cạnh đó, các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của EU và Việt Nam đối với sản phẩm dệt may và da giày có sự khác biệt giữa hai hệ thống quản lý về quy chuẩn và tiêu chuẩn.

Theo Ông Nguyễn Văn Thông, Viện trưởng Viện Dệt may, để được nhập khẩu vào thị trường EU, sản phẩm dệt may và da giày Việt Nam phải đảm bảo tuân thủ quy định về quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn sản phẩm, dán nhãn hướng dẫn sử dụng và nước xuất xứ một cách nghiêm túc.

Các doanh nghiệp cần khắc phục những hạn chế như thiếu thông tin và hiểu biết thấu đáo về quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp lý và tiêu chuẩn tư nhân tại thị trường EU; chưa có đầu mối quản lý, cung cấp một cách hệ thống và cập nhật các yêu cầu tuân thủ của các thị trường nhập khẩu…

Theo thống kê mới nhất, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước xuất khẩu hàng dệt may và da giày trên thế giới, trong 5 năm gần đây đạt mức tăng trưởng trung bình 15%/năm.

(Theo nguồn www.lefaso.org.vn)