
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài, cũng kỳ vọng sẽ có một cú hích lớn trong thu hút vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam. TPP sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam và Mỹ không chỉ về thương mại mà cả thu hút vốn đầu tư. Khi TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu hàng Việt Nam vào Mỹ về 0%, các DN Mỹ sẽ rất có lợi nếu đầu tư vào Việt Nam sản xuất rồi tái xuất sang Mỹ. Trước TPP, trong các hoạt động xúc tiến đầu tư của Mỹ, cam kết của lãnh đạo cao cấp và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đều cho thấy Mỹ sẽ vượt qua Hàn Quốc để trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.
Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Hong Sun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng TPP sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc; các DN Hàn Quốc sẵn sàng đầu tư nhiều hơn nữa sang Việt Nam để hòa nhập vào những nền kinh tế lớn trên thế giới, tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp ô tô, dệt may, điện tử… và một số lĩnh vực truyền thống khác.
Năm năm qua (2011-2015), Việt Nam thu hút vốn FDI kém hơn 5 năm trước về mức đăng ký nhưng vẫn tăng trưởng ổn định bình quân khoảng 10%. Vốn đăng ký giai đoạn 2011-2015 và năm 2015 sẽ đạt mục tiêu 23 tỉ USD/năm. Theo TS Phạm Hữu Thắng, chưa vào TPP nhưng chúng ta đã thu hút được trên 20 tỉ USD/năm và bằng gấp đôi số vốn thực hiện. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng nên vốn đầu vào chắc chắn đạt mức trên 20 tỉ USD/năm. Vấn đề là sức hấp thụ của nền kinh tế chỉ có thể tiếp nhận hơn 10 tỉ USD/năm, chúng ta không thể tăng đột biến khả năng hấp thụ. Vì vậy, trong giai đoạn tới, Việt Nam không cần lo thu hút vốn ngoại nhiều hay ít mà vấn đề là quản lý thế nào để sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất.
“Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn, cần ưu tiên vốn vào lĩnh vực công nghệ, bảo vệ môi trường, gắn với an ninh quốc phòng và theo mục tiêu ngắn hạn, dài hạn… Ngoài ra, hiện vẫn còn hơn 100 tỉ USD vốn FDI chưa thực hiện nằm rải rác trong hàng trăm dự án, nếu không được xử lý trong giai đoạn 2016-2020 thì sẽ rất lãng phí” – TS Phạm Hữu Thắng nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng thay vì mở cửa đối với tất cả dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày như lâu nay, Chính phủ nên có biện pháp cụ thể giúp DN trong nước thuộc 2 lĩnh vực này lớn mạnh, tận dụng cơ hội xuất khẩu sang các nước TPP. Hai năm nay, dự án đầu tư vào may mặc diễn ra rầm rộ ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Nam Định… Chín tháng đầu năm, nhiều dự án lớn hàng trăm triệu USD đổ vào lĩnh vực may mặc đã được xúc tiến.
(Theo nguồn báo Người Lao Động)